QUY CHẾ CUỘC ĐẤU GIÁ
Căn cứ Luật đấu giá tài sản 01/2016/QH14 ngày 17/11/2016 và các quy định của Nhà nước có liên quan. Công ty Đấu giá Hợp danh Đông Nam (sau đây gọi tắt là Công ty) ban hành Quy chế cuộc đấu giá để thực hiện trong các cuộc đấu giá do Công ty tổ chức, với các nội dung sau:
Điều 1. Đối tượng đăng ký tham gia đấu giá
1. Các cá nhân, tổ chức có nhu cầu, có khả năng tài chính, phù hợp với quy định pháp luật có liên quan được tham gia đăng ký, ngoại trừ những trường hợp quy định tại khoản 4, Điều 38 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
2. Tổ chức là tổ chức được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Một tổ chức chỉ được một đơn vị tham gia đấu giá; có 02 (hai) doanh nghiệp trở lên thuộc cùng một Tổng công ty/Tập đoàn, Tổng công ty với công ty thành viên, công ty mẹ công ty con, doanh nghiệp liên doanh với một bên góp vốn thì chỉ được một doanh nghiệp tham gia đấu giá.
Điều 2. Các đối tượng không được tham gia đấu giá
1. Người không có năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người tại thời điểm đăng ký tham gia đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
2. Người làm việc trong tổ chức đấu giá tài sản; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá; người trực tiếp giám định, định giá tài sản; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người trực tiếp giám định, định giá tài sản.
3. Người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền xử lý tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản, người ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật.
4. Người không có quyền mua tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đó
Điều 3. Thành phần hồ sơ mời tham gia đấu giá gồm:
- Thông báo đấu giá tài sản;
- Nội quy đấu giá;
- Quy chế cuộc đấu giá;
- Đơn đăng ký tham gia đấu giá (theo mẫu của Công ty Đấu giá Hợp danh Đông Nam);
- Bản cam kết chấp nhận tình trạng pháp lý và hiện trạng thực tế của tài sản đấu giá;
- Các tài liệu về tài sản (nếu có).
Người đăng ký đấu giá điền các thông tin vào các mẫu đơn và nộp đủ các giấy tờ, đóng tiền mua hồ sơ tham gia đấu giá và tiền đặt trước theo quy định tại Quy chế này.
Điều 4. Hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá
Đối với cá nhân:
- Đơn đăng ký tham gia đấu giá tài sản (theo mẫu của Công ty Đấu giá Hợp danh Đông Nam);
- Giấy CMND/CCCD, hộ chiếu. Các giấy tờ này phải là bản sao y;
- Trong trường hợp ủy quyền cho người khác tham gia phải có giấy ủy quyền. Giấy ủy quyền được lập phải có xác nhận theo quy định của pháp luật.
- Bản cam kết chấp nhận tình trạng pháp lý và hiện trạng thực tế của tài sản đấu giá;
Đối với tổ chức:
- Đơn đăng ký tham gia đấu giá tài sản (theo mẫu của Công ty Đấu giá Hợp danh Đông Nam), đóng dấu, ký tên của người đại diện theo pháp luật của tổ chức. Trường hợp người được ủy quyền ký thay thì phải có văn bản ủy quyền hợp pháp theo quy định pháp luật và Điều lệ của tổ chức;
- CMND/CCCD của người đại diện theo pháp luật của tổ chức, của người được ủy quyền (nếu có); Giấy đăng ký kinh doanh hoặc các giấy tờ thành lập hợp pháp khác. Các giấy tờ này phải là bản sao y;
- Văn bản ủy quyền hợp pháp theo quy định pháp luật và Điều lệ của tổ chức;
- Biên bản họp, quyết định của người có thẩm quyền về việc mua tài sản đấu giá
trong trường hợp pháp luật có quy định;
- Bản cam kết chấp nhận tình trạng pháp lý và hiện trạng thực tế của tài sản đấu giá;
Khách hàng (doanh nghiệp và hộ kinh doanh) đăng ký tham gia đấu giá cam kết và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung: thành lập doanh nghiệp, đang hoạt động hợp pháp, không trong quá trình giải thể, phá sản, tạm ngưng hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật về Thuế.
Người đăng ký tham gia đấu giá phải xuất trình được bản chính các tài liệu trong hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá để đối chiếu khi tổ chức đấu giá yêu cầu trong trường hợp cần thiết.
Điều 5. Nghĩa vụ tài chính của người đăng ký tham gia đấu giá
1. Tiền bán hồ sơ cho người tham gia đấu giá tài sản theo quy định pháp luật.
2. Tiền đặt trước:
a) Người đăng ký tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước theo quy định của Công ty đã thỏa thuận với người có tài sản đấu giá.
b) Khoản tiền đặt trước có giá trị dưới năm triệu đồng thì người tham gia đấu giá có thể nộp trực tiếp cho tổ chức đấu giá tài sản.
c) Khoản tiền đặt trước này được sử dụng như sau:
- Tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm trả lại khoản tiền đặt trước và thanh toán tiền lãi (nếu có) trong trường hợp người tham gia đấu giá không trúng đấu giá trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá hoặc trong thời hạn khác do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp bị mất tiền đặt trước do vi phạm theo quy định pháp luật.
- Trường hợp trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc thực hiện nghĩa vụ mua tài sản đấu giá sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc xử lý tiền đặt cọc thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 6. Những trường hợp không tổ chức đấu giá
Trong các trường hợp sau đây, Công ty không tổ chức cuộc đấu giá và hoàn trả lại tiền đặt trước cho người tham gia đấu giá:
1. Trước ngày tổ chức cuộc đấu giá, người có tài sản bán đấu giá hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu dừng việc tổ chức cuộc đấu giá.
2. Hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá tài sản, chỉ có 01 (một) người đăng ký tham gia đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá không đồng ý bán tài sản đấu giá theo quy định tại Điều 49 Luật Đấu giá tài sản.
Điều 7. Những trường hợp không trả lại tiền đặt trước
1. Đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá, buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng;;
2. Bị truất quyền tham gia đấu giá do có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật đấu giá tài sản;
3. Từ chối ký biên bản đấu giá theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật đấu giá tài sản;
4. Rút lại giá đã trả hoặc giá đã chấp nhận theo quy định tại Điều 50 Luật đấu giá tài sản;
5. Từ chối kết quả trúng đấu giá theo quy định tại Điều 50 Luật đấu giá tài sản;
Điều 8. Các hình thức đấu giá, phương thức đấu giá
1. Hình thức đấu giá
a) Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá;
b) Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá;
c) Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp;
d) Đấu giá trực tuyến
2. Phương thức đấu giá: Trả giá lên hoặc đặt giá xuống
Điều 9. Xử lý vi phạm:
- Người đăng ký tham gia đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá mà không có lý do chính đáng được người tổ chức đấu giá chấp nhận thì coi như từ bỏ tham gia đấu giá, khoản tiền đặt trước không được hoàn trả.
- Tại cuộc đấu giá tài sản, người đã trả giá cao nhất mà rút lại giá đã trả trước khi người điều hành cuộc đấu giá tài sản công bố người mua được tài sản thì cuộc đấu giá vẫn tiếp tục và bắt đầu từ giá của người trả giá liền kề trước đó.
- Người rút lại giá đã trả bị truất quyền tham gia trả giá tiếp, khoản tiền đặt trước không được hoàn lại và chịu các khoản chi phí trong trường hợp cuộc đấu giá không thành.
- Người từ chối mua tài sản không được hoàn trả khoản tiền đặt trước và phải chịu các chi phí liên quan đến cuộc đấu giá.
- Người tham giá đấu giá có hành vi phá rối, làm mất trật tự, cản trở phiên đấu giá tài sản hoặc có dấu hiệu liên kết, thông đồng, dìm giá tài sản đấu giá sẽ bị xử lý theo quy định của Luật đấu giá tài sản năm 2016.
- Sau khi phiên đấu giá kết thúc, nếu người trúng đấu giá từ chối ký vào Biên bản trúng đấu giá được xem như là từ chối mua tài sản đấu giá. Trường hợp này được xử lý theo các quy định nêu tại điểm c mục này.
Điều 10. Các trường hợp vi phạm bị truất quyền tham gia đấu giá
- Người tham gia đấu giá tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản. bị truất quyền tham gia đấu giá trong các trường hợp sau đây:
- Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá.
- Thông đồng, móc nối với Đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.
- Cản trở hoạt động đấu giá tài sản.
- Đe dọa, cưỡng ép Đấu giá viên
- Người rút lại giá đã trả theo quy định tại Quy chế này.
- Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 11. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá;
2. Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;
3. Cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá
4. Đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản
5. Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan
Điều 12. Những quy định khác
1. Người tham gia đấu giá đã vi phạm Quy chế đấu giá sẽ không được tiếp tục đăng ký tham gia đấu giá lại.
2. Người tham gia đấu giá phải có mặt đúng thời gian và địa điểm theo giấy mời.
3. Chỉ có người có tên trong danh sách đăng ký tham gia đấu giá mới được vào phòng đấu giá; giữ trật tự, không trao đổi bàn bạc, tuân thủ các quy định của Công ty, của người điều hành cuộc đấu giá trong suốt thời gian đấu giá.
4. Mọi ý kiến khiếu nại, thắc mắc phải được trình bày trước khi tiến hành cuộc đấu giá để được xem xét, giải quyết. Công ty không giải quyết đối với các thắc mắc, khiếu kiện được trình bày khi cuộc đấu giá đang tiến hành.
Trên đây là những quy định chung trong các cuộc đấu giá do Công ty Hợp danh Đông Nam tổ chức. Quy chế này được niêm yết công khai tại Công ty; gửi cho người tham gia đấu giá đăng ký tham gia đấu giá và được công bố lại tại cuộc đấu giá.